Công nghệ gen

Mã sản phẩm: J07

192.000 VNĐ

Tác giả: Lê Huyền Ái Thúy

Năm xuất bản: 2016

Loại tài liệu:

CN100522

Công nghệ gen (gene technology), hay một số thuật ngữ khác có tính tương đương như kỹ thuật di truyền (genetic engineering), kỹ thuật thao tác trên gen (gene manipulation), tạo dòng phân tử (molecular cloning) hay tái tổ hợp DNA (DNA recombination), thật sự phát triển vào những năm 1970 đã tạo nên nhiều thành tựu vượt bậc, để từ đó đã có một bước chuyển tiếp từ Công nghệ Sinh học cổ điển sang giai đoạn Công nghệ Sinh học hiện đại, bởi lúc này sản phẩm từ nghiên cứu cho tới ứng dụng của Công nghệ Sinh học phát triển một cách sâu sắc, toàn diện, ghi dấu ấn rõ rệt của ứng dụng kỹ thuật di truyền vào tất cả các chuyên ngành như Công nghệ Vi sinh, Công nghệ Tế bào thực vật, động vật và các sinh vật chuyển gen. Có thể nói, chính Công nghệ Gen đã làm nên sự chuyển đổi sâu sắc trong các chiến lược phát triển, mà trong đó điểm nhấn hết sức đặc biệt chính là sự hiểu biết một cách chi tiết – đến từng nucleotide về bộ gen của nhiều sinh vật, và đặc biệt là của bộ gen người, đã làm thay đổi về mặt tư duy cũng như phương pháp luận của hầu hết các lĩnh vực quan trọng của sự sống như y – dược, trồng trọt, chăn nuôi và nhiều lĩnh vực khác. Quyền lực cải biến sinh giới và cải biến chính bản thân mình của con người đã và đang được hiện thực hóa, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết về khía cạnh đạo đức cũng như những giới hạn cần tuân thủ và tôn trọng khi thao tác trên vật liệu di truyền.

Trong bối cảnh của sự phát triển đó, môn học Công nghệ Gen là môn không thể thiếu trong chương trình đào tạo về Công nghệ Sinh học và Sinh học của các trường đại học và cao đẳng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trên cơ sở nguồn thông tin phong phú, mới mẻ (các tài liệu tham khảo được cập nhật đến tháng 4/2015) và kiến thức cũng như kinh nghiệm của nhóm biên soạn, chúng tôi cố gắng trình bày một cách chi tiết về mặt kỹ thuật có tính chất căn bản của kỹ thuật di truyền trong phần đầu của giáo trình (Phần I – Các kỹ thuật di truyền cơ bản: nội dung lý thuyết). Trên cơ sở phần kiến thức căn bản ấy, các bài toán cụ thể, cũng chính là các tình huống thực nghiệm, được chúng tôi bố trí đi từ đơn giản cho đến phức tạp, mô phỏng hoặc trích dẫn chính xác các ứng dụng cụ thể của kỹ thuật di truyền sẽ được chúng tôi tiếp tục chuyển tải trong các phần còn lại của giáo trình (Phần I – Các kỹ thuật di truyền cơ bản: bài tập có gợi ý trả lời hoặc bài tập tự giải; Phần II – Một vài ứng dụng tiêu biểu của kỹ thuật di truyền; Phần III – Thực hành các kỹ thuật di truyền cơ bản). 

Đặc biệt trong phần II – Một vài ứng dụng tiêu biểu của kỹ thuật di truyền, chúng tôi trích dẫn ngay chính các công trình đã xuất bản của những người biên soạn giáo trình này, tập trung vào ba ứng dụng của công nghệ gen, bao gồm: chẩn đoán phân tử, tái tổ hợp protein và công nghệ giải trình tự. Sách được biên soạn nhằm mục đích sử dụng là tài liệu học tập cho sinh viên, chính vì vậy, chúng tôi đặt nặng phần câu hỏi mang tính gợi ý để hướng dẫn sinh viên đọc – hiểu về ý tưởng nghiên cứu, phương pháp sử dụng và kết quả nghiên cứu đạt được.

Sách được biên soạn lần đầu chắc chắn sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được bạn đọc đóng góp bổ sung để sách ngày càng được hoàn chỉnh hơn. Xin chân thành cám ơn.

Nhóm biên soạn