Kinh doanh quốc tế

Mã sản phẩm: D05B

103.000 VNĐ

Tác giả: Trịnh Thuỳ Anh, Ngô Kim Trâm Anh, Trương Mỹ Diễm

Năm xuất bản: 2017

Loại tài liệu:

CN200820

Những thay đổi lớn lao của thị trường và nền kinh tế thế giới, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa và mức độ hội nhập sâu sắc đã gây tác động rất lớn đến nền kinh tế của mỗi quốc gia. Liệu chúng ta có bắt kịp được sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu hay mãi mãi nằm ở vị trí quá tụt hậu so với quá trình toàn cầu hóa kinh tế? Điều này phụ thuộc vào sự “bắt nhịp” của doanh nghiệp nói riêng, và đất nước nói chung trên bước đường hội nhập. Sự bắt nhịp được đề cập ở đây là có chăng chúng ta khai thác được những khác biệt giữa các quốc gia để tận dụng những ưu thế này cho việc xây dựng những chiến lược quản trị doanh nghiệp và vận hành đất nước một cách hiệu quả nhất. Với ý nghĩa thiết thực đó, nhu cầu nghiên cứu và học tập về các vấn đề lợi ích và bất lợi của đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu và khuyết điểm của các phương thức thâm nhập thị trường thế giới, sự khác biệt về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội giữa các quốc gia,... là cần thiết hơn bao giờ hết. Tất cả những vấn đề trên sẽ được chuyển tải trong nội dung của môn học “Kinh doanh quốc tế”.

Quyển sách Kinh doanh quốc tế được biên soạn trong sự phối hợp đan xen giữa những lý thuyết nền tảng cùng với những tình huống thực tiễn đang diễn ra trong môi trường hội nhập. Đây là quyển sách được thiết kế nhằm phục vụ bạn đọc tự học và tự nghiên cứu nhằm đáp ứng cho việc tham gia học tập, kiểm tra và thi cuối khóa môn “Kinh doanh quốc tế”.

Môn học này thuộc khối kiến thức ngành quản trị kinh doanh trong chương trình đào tạo của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại Học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh. Nội dung của sách đã được chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng trong việc bố trí các chương mục theo những trình tự nhất định về không gian và thời gian, cũng như những yêu cầu cần thiết phải nắm bắt để có thể quản lý và xây dựng chiến lược mở rộng thị trường quốc tế. Qua đó, bạn đọc sẽ hiểu thêm về quá trình hội nhập kinh tế thế giới, từ đó xây dựng các phương thức quản trị cho doanh nghiệp mình đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Có thể nói, tài liệu học tập này đã được biên soạn dựa trên việc hệ thống kiến thức của cá nhân mỗi tác giả và tham khảo một cách nghiêm túc các giáo trình, tài liệu giảng dạy của nhiều nước, kết hợp với việc tổng hợp thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Trên cơ sở đó đã rút ra được những lý thuyết nền tảng, và những ví dụ thực tiễn để xây dựng nội dung môn học phù hợp cho đối tượng học viên ngành quản trị kinh doanh.

Các nội dung trong cuốn sách được biên soạn bởi nhóm tác giả:

Lời nói đầu & Giới thiệu môn học: Trương Mỹ Diễm và Trịnh Thùy Anh.

Chương 1:   Toàn cầu hóa - Trương Mỹ Diễm

Chương 2:   Tổng quan về các hoạt động kinh doanh quốc tế - Trương Mỹ Diễm

Chương 3:   Môi trường chính trị và pháp luật - Ngô Kim Trâm Anh, Trịnh Thùy Anh

Chương 4:   Sự khác biệt văn hóa quốc gia - Trịnh Thùy Anh, Ngô Kim Trâm Anh

Chương 5:   Đạo đức và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh quốc tế - Trịnh Thuỳ Anh, Ngô Kim Trâm Anh

Chương 6:   Thương mại quốc tế - Trương Mỹ Diễm, Ngô Kim Trâm Anh

Chương 7:   Đầu tư nước ngoài - Trịnh Thùy Anh, Ngô Kim Trâm Anh

Chương 8:   Hệ thống tài chính - Tiền tệ toàn cầu - Ngô Kim Trâm Anh, Trương Mỹ Diễm

Chương 9:   Hoạch định chiến lược quốc tế - Trịnh Thuỳ Anh, Ngô Kim Trâm Anh

Chương 10: Các chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế - Trịnh Thuỳ Anh, Ngô Kim Trâm Anh

Kiến thức thì vô cùng. Môi trường kinh doanh toàn cầu trên bước đường hội nhập hôm nay luôn luôn trong tình trạng biến động không ngừng. Những thay đổi của thị trường, cộng thêm rất nhiều yếu tố khách quan mà chúng ta không đo lường hết được. Thêm vào đó là trình độ của người viết vẫn còn nhiều hạn chế. Chắc chắn tài liệu này không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi - những người biên soạn quyển sách này rất mong nhận được sự đóng góp chân tình của các học giả, các chuyên gia kinh tế, nhà quản trị, quý đồng nghiệp và các bạn học viên để trong những lần tái bản sau được cập nhật thông tin và bổ sung kịp thời. Có như vậy chúng tôi mới mong quyển sách này sẽ thực sự có ích.

Tất cả các ý kiến đóng góp của quý độc giả gần xa, xin vui lòng gửi về cho chúng tôi qua địa chỉ:

KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH Trường Đại Học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh.

Phòng 403, Số 35-37 Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Q. 1, TP.HCM

GIỚI THIỆU VỀ MÔN HỌC

Theo chiều dài thời gian, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế dường như gắn chặt và kết nối nhau một cách sâu sắc hơn nhằm mục đích đưa cộng đồng nhân loại cùng đi vào một ngôi làng chung toàn cầu. Ngôi làng toàn cầu ấy, người ta không phân biệt Châu Á hay Châu Âu, Châu Phi hay Châu Mỹ; tất cả sẽ có thể mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ cho nhau, có thể giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau. Và vô hình chung, chúng ta đã nhận thấy, rất nhiều vấn đề mang tính chất toàn cầu đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của quốc gia, đòi hỏi sự giải quyết chung của toàn thế giới,...

Nói một cách khác, một thế giới mà trước đây chúng ta biết là một thế giới của khoảng 195 quốc gia bị chia cắt bởi những đường ranh giới về địa lý, và hàng loạt những khác biệt về thời gian, ngôn ngữ, tôn giáo, những điều kiện về kinh tế và chính trị; nay đã trở nên gần và liên kết nhau hơn. Trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, cho dù bạn có mở rộng lĩnh vực hoạt động thương mại và đầu tư ra ngoài nước hay chỉ trong thị trường nội địa thuần túy, với sự cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay thì bạn không thể nào thiếu những kiến thức cơ bản về hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, có hay không có một “Thế giới phẳng” tuyệt đối? Nhà quản trị đang hết sức quan tâm việc này và xác nhận rằng: hoàn toàn không có một thế giới phẳng thực sự. Bởi vì, chiến lược kinh doanh mà các nhà quản trị thiết lập để thâm nhập thị trường ở Châu Mỹ hoàn toàn khác với chiến lược thâm nhập tại Châu Á. Môn học sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn vấn đề trên một cách chi tiết.

Cấu trúc quyển sách bao gồm 10 chương:

  •   CHƯƠNG 1: Toàn cầu hóa

Nội dung chương này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về toàn cầu và những chuyển biến trong dòng chảy của nền kinh tế thế giới. Từ việc tìm hiểu những khái niệm lý thuyết về toàn cầu hóa, và các thể loại toàn cầu, bài học cũng cung cấp những kiến thức để giúp học viên lý giải về các vấn đề mang tính toàn cầu. Trên cơ bản là những hiểu biết nền tảng về các nhân tố chính hỗ trợ cho toàn cầu hóa phát triển, và về những lợi ích và bất lợi mà chính toàn cầu hóa mang lại.

  •   CHƯƠNG 2: Tổng quan về các hoạt động kinh doanh quốc tế

Chương này giúp các bạn thấy rõ sự khác biệt trong việc quản lý một doanh nghiệp có hoạt động vượt ra phạm vi của một quốc gia với hoạt động của những đơn vị kinh doanh trong thị trường nội địa thuần túy.

  •   CHƯƠNG 3: Môi trường chính trị và pháp luật

Chương 3 tập trung vào việc phân tích những khác biệt của các hệ thống chính trị, kinh tế và pháp luật của các quốc gia. Nói một cách chung, chúng ta sẽ xem các hệ thống này như là các yếu tố cấu thành nên nền kinh tế chính trị của một quốc gia. Chúng ta sử dụng khái niệm kinh tế chính trị nhằm nhấn mạnh sự phụ thuộc, chi phối và tác động lẫn nhau giữa hệ thống chính trị, kinh tế và pháp luật trong một quốc gia cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước trong tuơng lai. Thêm vào đó, chúng ta cũng sẽ xem xét các khác biệt này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích, chi phí và rủi ro gắn liền với việc kinh doanh ở nước ngoài và làm thế nào các công ty có thể quản lý những khác biệt này cũng như đề ra các chiến lược hoạt động cho phù hợp.

  •   CHƯƠNG 4: Sự khác biệt văn hóa quốc gia

Chương 4 bàn về những khác biệt trong nền văn hóa giữa các quốc gia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Sự thành công trong kinh doanh ở các quốc gia khác nhau yêu cầu phải có sự hiểu biết về nền văn hóa của các nước. Chính sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa các quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường quốc tế một cách nhanh chóng.

  •   CHƯƠNG 5: Đạo đức và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh quốc tế

Chương này sẽ phân tích vấn đề trên cũng như các vấn đề khác của đạo đức đứng dưới góc độ kinh doanh quốc tế. Trước hết chúng ta sẽ xem xét bản chất của đạo đức và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh quốc tế. Và thảo luận vấn đề đạo đức trong các nền văn hóa và trong bối cảnh quốc tế. Làm thế nào các doanh nghiệp có thể kiểm soát và quản lý các hành vi đạo đức vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia.

  •   CHƯƠNG 6: Thương mại quốc tế

Chương 6 nhằm tìm hiểu các lý thuyết thương mại mà các chính phủ đang áp dụng từ trước đến nay. Dựa trên những lý thuyết này, chúng ta có thể hiểu được các phương thức kinh doanh, trao đổi thương mại (bao gồm mức độ phụ thuộc vào thương mại của một quốc gia, các sản phẩm mà quốc gia này đang sở hữu, cũng như các quốc gia chính mà họ đang có hoạt động giao thương).

  •   CHƯƠNG 7: Đầu tư nước ngoài

Nội dung của chương 7 sẽ cung cấp các khái niệm về các lý thuyết về đầu tư quốc tế cùng với các hình thức của đầu tư quốc tế. Vai trò và tầm quan trọng của FDI. Những tác động tiêu cực và tích cực của FDI đối với các quốc gia đi đầu tư và các quốc quốc gia nhận đầu tư.

  • CHƯƠNG 8: Hệ thống tài chính - tiền tệ toàn cầu

Nội dung chương này sẽ giới thiệu đến sinh viên các khái niệm về tỷ giá hối đoái cùng với chức năng và vai trò của thị trường ngoại hối. Thông qua đó chúng ta có thể hiểu rõ các loại tỷ giá hối đoái và các phương thức thanh toán quốc tế để từ đó các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể lựa chọn đồng tiền thích hợp cho các giao dịch thanh toán quốc tế cũng như đầu tư của mình.

  • CHƯƠNG 9: Hoạch định chiến lược quốc tế

Chương này sẽ giới thiệu đến sinh viên khái niệm và vai trò của chiến lược kinh doanh quốc tế; các bước hình thành nên chiến lược. Các cấp độ chiến lược kinh doanh quốc tế khác nhau, để từ đó các công ty có thể chọn cho mình một chiến lược kinh doanh để có thể thâm nhập và mở rộng thị trường.

  • CHƯƠNG 10: Các chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế

Chương này nhằm giới thiệu đến sinh viên các hình thức thâm nhập thị trường nước ngoài như: xuất khẩu, chuyển nhượng công nghệ, nhượng quyền thương mại cho các công ty của nước sở tại, thiết lập việc liên doanh với các công ty thuộc nước sở tại, hoặc thành lập các công ty con ở các nước này để phục vụ cho thị trường của chúng, hoặc mua lại các công ty của nước sở tại. Mỗi hình thức thâm nhập đều có các lợi thế và bất lợi. Dựa vào các phân tích này các công ty có thể lựa chọn cho mình một phương thức thâm nhập mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.

VAI TRÒ CỦA MÔN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Môn học Kinh doanh quốc tế cung cấp những kiến thức cần thiết để có thể thực hiện được các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, hiểu được giá trị của sự khác biệt giữa các quốc gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp trước khi ra quyết định xâm nhập thị trường toàn cầu. Biết cách thiết lập các phương án kinh doanh, lựa chọn phương thức hoạt động giao dịch và đầu tư thích hợp để có thể tăng lợi nhuận cũng như mang lại hiệu quả tối ưu từ việc mở rộng thị trường ngoài nước. Với nội dung ấy, “Kinh doanh quốc tế” chính là môn chủ lực của chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế, thuộc khối kiến thức quản trị kinh doanh.

YÊU CẦU CỦA MÔN HỌC

Để học tốt môn này, trước tiên sinh viên cần phải hoàn tất các môn học ở chương trình đại cương, kết thúc các học phần cơ sở của khối ngành và khối kiến thức ngành.

Cụ thể sinh viên cần trang bị những kiến thức về:

  • Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, các môn học liên quan đến quản trị chiến lược, marketing, tài chính, nhân sự, dự án,... Khi đã học xong những học phần trên, các bạn sẽ tiếp thu bài giảng một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn
  • Kinh tế - xã hội. Các bạn nên chủ động để có thể bắt nhịp được các thông tin thời sự liên quan đến nền kinh tế thế giới, tình hình tài chính trong khu vực và toàn cầu; chính sách kêu gọi và ưu đãi đầu tư của các quốc gia, các chính sách bảo hộ, thuế quan,...
  • Các kiến thức về mô hình hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình học tập và nhanh chóng tích lũy kiến thức từ môn học này.

CU TRÚC MÔN HỌC

Phần 1: TỔNG QUAN

Chương 1: TOÀN CẦU HÓA

Chương 2: BẢN CHẤT CỦA KINH DOANH QUỐC TẾ

Phần 2: SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC QUỐC GIA

Chương 3: ẢNH HƯỞNG CỦA KINH TẾ - CHÍNH TRỊ & LUẬT PHÁP

Chương 4: NHỮNG KHÁC BIỆT TRONG VĂN HÓA - XÃ HỘI

Chương 5: ĐẠO ĐỨC TRONG KINH DOANH QUỐC TẾ

Phần 3: MÔI TRƯỜNG KINH DOANH QUỐC TẾ

Chương 6: THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Chương 7: ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI

Chương 8: HỆ THỐNG TIỀN TỆ TOÀN CẦU

Phần 4: HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Chương 9: HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU

Chương 10: PHƯƠNG THỨC THÂM NHẬP & LIÊN MINH CHIẾN LƯỢC

GỢI Ý HỌC TẬP

Ở cấp bậc đại học, các bạn hoàn toàn chủ động trong việc chọn lựa phương pháp học tập nào phù hợp với năng lực, thói quen, và thời gian của mình. Tuy nhiên, vì tính đặc thù của môn học, chúng tôi cũng gợi ý cách thức sắp xếp thời gian cũng như phân lượng chương mục, để các bạn thuận tiện hơn trong việc nghiên cứu môn học mà không cần có sự hướng dẫn của giảng viên.

Bảng dưới đây đưa ra ví dụ về một chương cụ thể để bạn hiểu được cách thức phân chia thời gian và nội dung tự học phù hợp. Các bạn có thể tự đưa ra kế hoạch học các chương tiếp theo trên cơ sở gợi ý ví dụ này.