Quan hệ công chúng

Mã sản phẩm: D22A

113.000 VNĐ

Tác giả: Vân Thị Hồng Loan

Năm xuất bản:

Loại tài liệu:

CNG24052024

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ về Truyền thông, chuyên ngành Quan hệ công chúng tại Australia, Giáo sư hướng dẫn luận án đã hỏi tôi (người chủ biên cuốn sách này) về dự định truyền bá kiến thức này tại Việt Nam. Tôi đã trả lời là sẽ viết sách trình bày nghiên cứu của mình, trong đó bao gồm kiến thức cốt lõi mà mọi người trên thế giới đang triển khai, và sự khác biệt về văn hóa tại Việt Nam đã ảnh hưởng đến phương pháp thực hiện ngành Quan hệ công chúng. Dự định này đến nay mới thực hiện được, tuy nhiên, cuốn sách này chỉ mới trình bày những kiến thức cốt lõi về Quan hệ công chúng. Những lý thuyết nền mà các học giả trên thế giới đã xây dựng để nghiên cứu thực tiễn Quan hệ công chúng, và sự khác biệt khi thực hành Quan hệ công chúng tại Việt Nam sẽ để sang cuốn sách khác. Mặc dù vậy, cuốn sách này cũng đã bổ sung và phân tích rất nhiều những ví dụ trong thực tiễn hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, ví dụ vụ việc Vedan năm 2008, vụ mất tích máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia Airlines vào năm 2014 và vụ hạt Mắc-ca của hãng hàng không Hàn Quốc Korea Air vào đầu năm 2015. Công tác Quan hệ công chúng tại Việt Nam cũng đã được đề cập xuyên suốt cuốn sách thông qua các dẫn chứng minh họa.

“Quan hệ công chúng” được dịch từ hai chữ tiếng Anh “Public Relations”, viết tắt là PR. Thời kỳ mới du nhập vào Việt Nam, Public Relations được dịch sang tiếng Việt là “Giao tế nhân sự” hay “Quan hệ quần chúng”. Tuy nhiên, hiện nay, thuật ngữ này thường được giới truyền thông, marketing và kinh doanh ưa gọi là “PR” hơn. Do vậy, từ “PR” sẽ được sử dụng trong cuốn sách này thay cho từ “Quan hệ công chúng”. Thuật ngữ “Public Relations” được sử dụng lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1897. Trong khi nền công nghiệp PR của thế giới đã phát triển rực rỡ từ rất lâu ở các nước như Anh, Mỹ, Úc và gần đây là các nước châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản thì ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước vẫn chưa biết xây dựng chiến lược PR để truyền thông hiệu quả. Sau chính sách “Đổi mới” năm 1986, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam và mang kiến thức PR truyền bá cho người Việt. Một số công ty PR nội địa do người Việt sáng lập giữa thập kỷ 90 là do họ được thụ hưởng kiến thức PR từ các công ty này. Nền công nghiệp PR Việt Nam bắt đầu hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, đặc biệt khi có sự sát nhập giữa công ty PR nội địa và công ty PR quốc tế, ví dụ như sự ra đời của công ty liên doanh T&A Ogilvy và AVC Edelman Việt Nam. Sau “Đổi mới”, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học đầu tiên trong cả nước đã đưa môn PR giảng dạy vào năm 1994. Môn học khi đó có tên gọi là “Giao tế nhân sự trong kinh doanh”. 

PR hiện nay không chỉ được sử dụng trong ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là ở các tổ chức, doanh nghiệp xem trọng công tác truyền thông với công chúng bên ngoài và bên trong tổ chức. Nếu ban giám đốc biết sử dụng PR như một chiến lược thì các vấn đề liên quan đến truyền thông sẽ được ngăn ngừa hay xử lý một cách hiệu quả, ví dụ như khi báo chí đưa tin không đúng về doanh nghiệp và sản phẩm, chuyên viên trả lời báo chí không thích hợp, sự đồn thổi trên mạng xã hội về danh tiếng của tổ chức, công nhân không hài lòng về lãnh đạo, nhân viên bất mãn về các chính sách của công ty, các cuộc khủng hoảng diễn ra do bất cẩn, sự rút vốn của các cổ đông do thông tin đưa ra từ doanh nghiệp không nhất quán, v.v. Người học sẽ tìm thấy phương pháp giải quyết các vấn đề này trong cuốn sách.

Nội dung cuốn sách này cung cấp nền tảng căn bản về PR, từ việc giới thiệu nguồn gốc ra đời của PR trên thế giới và Việt Nam, trình bày khái niệm về PR đến phương pháp quản lý PR hiệu quả. Cuốn sách cũng giới thiệu cách thức quan hệ với báo chí, phương pháp ngăn ngừa khủng hoảng, và xử lý khi khủng hoảng xảy ra. Nội dung cũng trình bày về công tác truyền thông trong nội bộ tổ chức, doanh nghiệp, giới thiệu vai trò khác nhau của PR trong các tổ chức khác nhau như tổ chức phi chính phủ và cơ quan công quyền. Cuốn sách cũng trình bày về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của tổ chức dưới góc độ PR, và các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực PR tại Việt Nam. Người học sẽ có cái nhìn khái quát về nghề PR trong thực tiễn ở Việt Nam. Cuốn sách này sẽ giúp ích nhiều cho những ai muốn làm việc trong lĩnh vực PR, marketing và truyền thông. Chương cuối của cuốn sách cũng trình bày một số gợi ý để tìm việc trong lĩnh vực PR và những lời khuyên hữu ích cho những ai mới bước vào nghề. Sau chương cuối cùng là đề thi mẫu để người học làm quen với bài thi sau khi học hết môn “Quan hệ công chúng”. Đáp án của đề thi mẫu và của phần “đánh giá kết thúc chương” đặt ở cuối sách. Ngoài chương giới thiệu, nội dung chính của cuốn sách gồm có 9 chương, cụ thể như sau:

Chương 1. Đại cương về PR

Chương 2. Nghiên cứu PR

Chương 3. Lập kế hoạch PR

Chương 4. Thực hiện kế hoạch PR

Chương 5. Quan hệ với báo chí

Chương 6. Quản lý khủng hoảng

Chương 7. PR nội bộ

Chương 8. Kỹ năng PR

Chương 9. Thực tiễn PR

Nhóm tác giả cảm ơn sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu, Ban Học liệu, Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), các thầy cô trong nhóm phản biện và góp ý cuốn sách này như Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Thị Phương Thảo - Phó Trưởng Khoa sau Đại học Trường Đại học Mở TP.HCM, Tiến sĩ Đinh Tiên Minh - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đoàn Thị Mỹ Hạnh - Giảng viên Trường Đại học Hoa Sen, Tiến sĩ Trịnh Thuỳ Anh - Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Mở TP.HCM và Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà - Giám đốc Truyền thông Ngân hàng Á Châu.

Nhóm tác giả hy vọng cuốn sách sẽ giúp sinh viên học môn PR dễ dàng hơn, hiểu rõ các khái niệm và nguyên tắc cơ bản để có nền tảng kiến thức về PR vững chắc. Chúng tôi cũng hy vọng thông qua cuốn sách này, người học sẽ hiểu đúng đắn về khái niệm PR và có thể phát huy hết vai trò của PR trong thực tiễn ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi cũng mong rằng nền công nghiệp PR sẽ phát triển rực rỡ tại Việt Nam khi kiến thức về nó được giảng dạy chính thống trong nhiều trường đại học.

Mặc dù đã nỗ lực, việc biên soạn cuốn sách cũng khó tránh khỏi những khiếm khuyết, nhóm tác giả mong nhận được các góp ý chân thành của bạn đọc. Mọi góp ý xây dựng xin vui lòng gửi về địa chỉ email loan.vth@ou.edu.vn. Chân thành cám ơn.

TS. Vân Thị Hồng Loan (chủ biên)